Từ rất xa xưa, cùng với một số dân tộc Đông Á khác, người Việt Nam đã có ngày tết Đoan ngọ, còn gọi là tết Đoan dương, Đoan ngũ hay tết nửa năm. Các gia đình truyền thống giữ tục làm cơm rượu và nấu chè trôi nước, trước cúng gia tiên, sau để quây quần ăn uống. Một số địa phương còn tổ chức đua thuyền rồng cùng nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng. Tết Đoan Ngọ có nhiều cách diễn giải về nguồn gốc. Người Hoa thì gắn ngày Tết này với các vị danh nhân trong lịch sử Trung Quốc như Khuất Nguyên, Việt Vương Câu Tiễn, Tào Nga… Hay cho là có nguồn gốc từ tục thờ Rồng của cư dân Ngô Việt. Nhưng sự gán ghép ngày lễ với các danh nhân của người Hoa là không thực sự hợp lý, bởi những phong tục trong ngày lễ này biểu hiện sự kế thừa truyền thống lâu đời, có tính kết nối và thống nhất trong một địa bàn rộng lớn khắp vùng Dương Tử, nên không thể bởi một cá nhân, một sự kiện cụ thể nào để tạo thành một ngày lễ lớn như Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ chính xác hơn có nguồn gốc từ cộng đồng nông nghiệp lúa nước tộc Việt tại vùng phía Nam Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam.
Từ ngàn xưa vùng đất từ Nam Dương Tử đến Bắc Đông Dương đã là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do tộc Việt gầy dựng nên. Chính sự phụ thuộc vào tự nhiên theo kiểu “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mới là cơ sở để người nông nghiệp quan sát tự nhiên, quan sát thời tiết, từ đó biết được ngày 5 tháng năm âm lịch là ngày dài nhất và nóng nhất trong năm, là “ngày đại kỵ”. Trong điều kiện thời tiết khác thường như vậy, cư dân tộc Việt chủ trương không đi làm đồng (để bảo vệ sức khỏe), chỉ nên tổ chức nấu nướng cúng tổ tiên và ăn uống (để tưởng nhớ tổ tiên và đoàn kết gia đình), đua thuyền rồng, tắm sông (để giải nhiệt, cầu mưa (rồng: thủy thần)), đeo bùa ngũ sắc cho trẻ em (để tránh tà ma) hoặc đi hái thảo dược (hoặc trà) với niềm tin thảo dược sẽ có dược tính cao nhất vào giờ ngọ trong ngày. Bên cạnh đó, phong tục đặc biệt trong ngày lễ này chính là phong tục đua thuyền Rồng, những hoạt động trên thuyền rồng này được ghi lại rất phổ biến trên các hình họa trống đồng, người Việt khi đua thuyền đeo trên mình chiếc mũ lông chim và chiếc áo hai tà có gắn lông chim, đây là một sự ghi nhớ nguồn gốc Tiên Rồng của dân tộc, như câu ca dao còn tồn tại trong dân gian: Tháng Năm ngày tết Đoan Dương Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang Ngày tết Đoan ngọ là một trong chuỗi các ngày tết truyền thống ứng với ngày tháng số lẻ (Tết Nguyên đán: 1 tháng giêng; Tết xuống đồng: 3 tháng ba, Tết Đoan ngọ: 5 tháng năm, Tết Ngâu: 7 tháng bảy; Tết Trùng cửu: 9 tháng chín) và có liên quan đến tư duy số lẻ phương Nam (như trong cách nói “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”). Văn hóa Trung Hoa đã tiếp nhận ngày lễ này của cộng đồng tộc Việt, sau đó ảnh hưởng tới các dân tộc ở phía Bắc Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên. Các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt ngày nay như người Việt, Choang, Đồng, Miêu, Thủy… vẫn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Đó là một di sản đáng quý mà các vị tiền nhân đã giữ gìn và truyền lại cho chúng ta tới ngày hôm nay, chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, bên cạnh đó, cũng cần quan tâm phục hồi lại những nét văn hóa cổ của dân tộc trong ngày lễ này, điều đó rất quan trọng đối với sự đi lên của dân tộc sau này. Bài viết có sử dụng tư liệu của tác giả Nguyễn Ngọc Thơ. Lược Sử Tộc Việt: nhân ngày Tết Đoan Ngọ, đội ngũ LSTV xin chúc bạn đọc có một ngày lễ ấm áp và ý nghĩa bên gia đình thân yêu của mình!
Nguồn: Lược sử dân tộc Việt 5/5