Đây là một bài viết phản ánh thực trạng buồn ở thị trường nước ta nói chung và thị trường nông nghiệp nói riêng. Cả nhà mình cùng đọc và bình tâm suy ngẫm, xem chúng ta nên làm gì để điều này không còn tiếp tục xảy ra nữa?

“Hôm vừa rồi tôi có dịp tham dự một hội chợ triển lãm hàng của Hàn Quốc, trong đó có một số mặt hàng organic chất lượng cao như củ sâm núi, đậu phụ, và đặc biệt là nấm. Trao đổi với bác chủ vườn, tôi được biết loại nấm đông cô này được trồng hoàn toàn hữu cơ trên thân cây sồi, không sử dụng bất cứ hóa chất tổng hợp nào trong quá trình sản xuất/thu hoạch/đóng gói, và đạt chứng nhận organic của Hàn Quốc (trên sản phẩm có logo riêng).

Tôi có gợi ý bác là nên lấy thêm chứng nhận organic của Hoa Kỳ/Châu Âu/Nhật để nấm dễ bán ở thị trường vn cũng như các quốc gia trên thế giới. Bác chủ vườn suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Người Hàn Quốc chúng tôi coi trọng uy tín hơn mọi thứ, chứng nhận organic của Hàn Quốc rất quy chuẩn và không dễ để đạt được, một khi đã được chứng nhận thì các bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng, thế nên chúng tôi nghĩ không cần xin thêm chứng nhận hữu cơ của quốc gia khác. Trong suy nghĩ của chúng tôi, chứng nhận hữu cơ phải do các tổ chức của chính quốc gia đó cấp và giám sát thì mới đảm bảo chất lượng được. Làm sao một tổ chức nước ngoài có đủ am hiểu về tập quán canh tác của chúng tôi cũng như năng lực giám sát để cấp chứng nhận hữu cơ?”

Câu trả lời của bác chủ vườn nấm khiến tôi lặng người đi trong giây lát, người Việt chúng ta có lẽ đã đánh mất niềm tin vào nhau quá lâu nên tinh thần luôn trong trạng thái “cảnh giác”, lâu dần thành quen và xem như điều bình thường. Trong một xã hội mà lòng tin không tồn tại, chúng ta đành phải “sống nhờ” vào uy tín của người ngoài để tồn tại và phát triển, hay nói nôm na là tị nạn niềm tin.”
—trích bài viết của Jerry Do—–

Nhìn nhận một cách khách quan thì đúng là hiện tượng đó đã và đang tồn tại ở phần lớn thị trường của chúng ta. Tuy nhiên, nó không thể là kết luận chung cho tất cả.
Ngay trong bản thân mỗi con người chúng ta cũng đã không hoàn hảo, xã hội cũng vậy, có người tốt và người ít tốt hơn. Nhưng nếu chúng ta đánh mất niềm tin của chính mình thì điều gì sẽ xảy ra? Người có tâm hay những sản phẩm có chất lượng thực sự không được nhìn nhận và khuyến khích phát triển sẽ lụi dần để thị trường cho các quốc gia khác mạnh hơn thôn tính. Chúng ta sẽ làm gì đây khi 70% dân số nước ta hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp?
Như trong một bài viết trước đây Gạo Ruộng Rươi cũng đã nói về hiệu ứng tuyết lăn, nếu người tiêu dùng cùng chung tay ủng hộ bằng cách tự nâng cao kiến thức và giữ thái độ nhìn nhận khách quan không đổ đồng, quy chụp thì từ yếu sẽ chuyển dần sang mạnh, từ chưa sạch sẽ sạch dần.
Sự thực là khi chúng ta tập trung vào điều gì điều đó sẽ nở ra. Việc chúng ta quá tập trung vào thực phẩm không an toàn chúng ta sẽ không nhìn thấy được sản phẩm tốt nữa.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *