“ Chúng ta là những gì chúng ta ăn”

Câu nói đó mặc dù đã trở thành kinh điển trong cuộc sống từ lâu, nhưng nếu không phải là nạn nhân bất đắc dĩ của căn bệnh tiểu đường cách đây 5 năm, chắc tôi sẽ không hề biết tới.
Với cách ăn uống, sinh hoạt xô bồ hối hả của cuộc sống cơm áo gạo tiền chốn thành thị, có thể người ta cũng từng nghe qua nhưng rồi cũng nhanh chóng quên đi.

Khi ấy tôi là một bà mẹ với bụng bầu đứa con thứ hai ở tuần thai 24. Khệ nệ vác cái bụng đã khá lớn, tôi đi khám thai định kỳ. Sau các xét nghiệm ở bệnh viên Phụ sản và bệnh viện Bạch Mai tôi nhận kêt luận mắc bệnh: “Tiểu đường Thai kỳ”.

Lúc đó tôi hoang mang không hình dung nó là căn bệnh gì?, tại sao lại có?, nó như thế nào? …
Với chỉ số đường huyết quá cao, tôi bị giữ lại để điều trị tại tầng 6 bệnh viện Bach Mai . Cũng chính vì được nằm điêu trị ở đây một thời gian khá dài trước sinh, tôi được tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân tiểu đường. Họ là những mẹ bầu giống tôi có, người lớn tuổi hơn tôi có, trẻ hơn tôi cũng có. Đặc biệt tôi chứng kiến quá nhiều ca biến chứng mà phần lớn bênh nhân đều không biết đó là biến chứng của căn bệnh tiểu đường: điển hình nhất là mù mắt, hoại tử các bộ phận…

Tự mày mò tham khảo tài liệu để tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi ám ảnh trong đầu, tôi ngộ ra rằng bệnh gây ra hoàn toàn từ miệng. Tôi hiểu giải pháp lúc đó của tôi là kiểm soát về nguồn thực phẩm sử dụng hàng ngày, tuân thủ theo liệu trình điều trị về ăn uống và thuốc thang tại bệnh viện với niềm tin rằng tôi chỉ bị căn bệnh này ở thời kỳ mang thai – nội tiết của tôi sẽ điều chỉnh lại sau thời gian này.

Tuy nhiên, sau khi sinh một thời gian, tôi đi khám định kỳ theo lời dặn của bác sỹ, các xét nghiệm đã kết luận tôi bị tiểu đường type 2. Phát hiện bệnh ở tuổi 32 như vậy là khá trẻ đối với bệnh tiểu đường.
Hoang mang, chán nản nhưng khi nhìn con và nhìn hoàn cảnh của những người mẹ, những bác bệnh nhân giống mình tôi dần lấy lại tinh thần để đi tiếp không bỏ cuộc dù có như thế nào đi nữa. Trong tôi lúc đó là sự khát khao cần phải làm gì đó cho mình và cho cộng đồng để giảm bớt hậu quả và sự phát triển của căn bệnh mà người ta thường gọi là” Bản án ung thư dài hạn”. Đúng như câu nói tôi đã dược đọc “ Nhờ bệnh ta mới quay đầu. Không có bệnh không biết đâu là bờ”

Đầu tiên, để thực hiện mong muốn đó của mình, tôi đã động viên chị gái cùng mở một cửa hàng thực phẩm sạch trong ngõ nhỏ để có được sự yên tâm về nguồn gốc thực phẩm cho gia đình tôi cũng như những người quen thân nơi mình ở. Sau đó, tôi muốn tôi có thể làm hoặc chí ít là phân phối 1 sản phẩm mà sẽ hữu hiệu hơn, phổ được rộng hơn tới người bị bệnh tiểu đường.

Thành ý trong thâm tâm của tôi chắc được chứng nên nhân duyên đã đưa tôi tới sản phẩm gạo mầm và cốm gạo Gaba. Khi hiểu được những tác dụng của sản phẩm gạo lứt nẩy mầm tôi biết rằng đó là sản phẩm sẽ đồng hành cùng tôi trong chặng đường phía trước.
Sản phẩm gạo mầm và cốm gạo mầm của công ty Gabanature và Gabafood là sự kết tinh nhiệt huyết của tập thể các thành viên rất trẻ. Chúng tôi muốn đem kiến thức từ công trình nghiên cứu khoa học về dưỡng chất có được trong ngũ cốc nẩy mầm ra ứng dụng trong thực tiễn. Trải qua bao vất vả, giờ đây thành quả chúng tôi có được là sự ghi nhận của cộng đồng với nhận thức mới về sử dụng sản phẩm nẩy mầm trong đó có sản phẩm cốm và gạo mầm.

Trong quá trình làm sản phẩm, tôi luôn ấp ủ ý nghĩ tìm cho ra một vùng trồng lúa thuận tự nhiên hoàn toàn vì hạt gạo lứt để có giá trị cao nhất phải được gieo trồng ở những vùng như vậy.

Việc bắt tay làm nông nghiệp là một chuyển biến lớn nhất trong cuộc sống của tôi. Nó giúp tôi thấy được ý nghĩa đam mê khát khao để được sống để được cống hiến và đây cũng là cơ hội để cho tôi được tiếp xúc, gặp gỡ và nhận được nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ của các anh chị đi trước, các bạn có cùng chung niềm đam mê với nông nghiệp, đam mê với hạt gạo. Cái duyên ấy đã chỉ đường để đưa tôi biết tới và dừng chân ở Ruộng Rươi.

Khi nói tới con Rươi chắc nó cũng khá xa lạ với rất nhiều người nhưng với bộ phận dân cư có nguồn gốc từ các miền quê vùng nước lợ cửa sông thì quá rõ con Rươi là một món ăn đặc sản mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Nó được người dân ví như “Lộc Trời” chỉ xuất hiện ở một số vùng cửa sông có điều kiện phù hợp.
Con rươi ưa môi trường tự nhiên không hóa chất nên để thu được rươi, các chủ ruộng quy hoạch điều tiết nguồn nước cửa sông vào ra tại ruộng đồng thời trồng lúa để tạo môi trường sinh thái phù hợp cho rươi trú ngụ và sinh trưởng, không sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học hay thuốc bvtv nào vì chúng đều gây gại cho con Rươi – khiến nguồn lợi chính của người dân nơi đây bị loại bỏ. Con Rươi cũng sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên không phải thức ăn tổng hợp. Theo nghiên cứu về quá trình sinh trưởng của con Rươi thì trước khi Rươi ngoi lên mặt nước để thực hiện quá trình giao phối và sinh sản nó đã để lại một phần cơ thể trong bùn đất. Phần cơ thể đó cùng phù sa lắng đọng vùng cửa sông trở thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên quý báu cho thực vật tại đây. Như vậy Lúa và Rươi đã tạo nên một môi trường cộng sinh lý tưởng,

Tuy nhiên, việc lựa chọn và đưa trồng giống lúa để cho sản phẩm gạo lứt ngon không phải là dễ dàng vì không phải loại lúa nào cũng phù hợp với điều kiện nước lợ cũng như con nước lên xuống như vậy. Chỉ một số rất ít những giống lúa rất khỏe, khả năng chống chịu tốt mới sinh trưởng được trong điều kiện này.

Chính vì bị hạn chế chăm bón mà năng suất của lúa trồng ở ruộng rươi rất thấp, thời gian sinh trưởng tự nhiên của cây lúa ở đây kéo dài tầm 6 tháng mới cho thu hoạch và mỗi năm chỉ có 1 vụ, vụ còn lại là thời gian để cho đất nghỉ cũng là để chuẩn bị cho việc thu hoạch con Rươi.

Sản phẩm với cái tên “Gạo Ruộng Rươi” mộc mạc giản dị diễn tả đúng nguồn gốc xuất xứ của một loại Gạo: Gạo được thu hoạch khi canh tác trên những đầm lấy Rươi tự nhiên. Một sản phẩm được ra đời từ cam kết chặt chẽ trong chuỗi liên kết các chủ ruộng rươi, ban quản lý nông nghiệp địa phương, các cộng động đam mê nông nghiệp sạch và doanh nghiệp: số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm từ các hộ sản xuất – của công ty cung cấp giống – ý thức chia sẻ lợi ích và rủi ro từ phía doanh nghiệp và vai trò “ Cầu nối” đủ tầm, đủ trách nhiệm và tâm huyết tham gia nhằm kiểm soát, thúc đẩy, cổ vũ các bên thực hiện hiệu quả trong toàn bộ quy trình sản xuất đến tiêu thụ của cơ quan quản lý nông nghiệp Kiến Thuỵ Hải Phòng( nơi khởi nguồn dự án) và rất nhiều những nhiệt huyết đam mê với nông nghiệp sạch bền vững của các cộng đồng lớn: cộng đồng TIÊU DÙNG sản phẩm HỮU CƠ, cộng đồng NÔNG NGHIỆP TỬ TẾ.

Chỉ có thể là Đam mê và cũng là Duyên nghiệp của tôi với Hạt gạo và đặc biệt với Hạt Gạo Ruộng Rươi. Cảm ơn sự ủng hộ của gia đình và các Anh Chị, các Bạn và các Em trong cộng đồng đã tin tưởng, đã ủng hộ và là động lực giúp tôi vững bước đi trên con đường tôi đã chọn.
Dù sau này tôi không biết tôi có bị di chứng gì của căn bệnh trên không nhưng nếu có gì xảy đến tôi tin tôi sẽ luôn mỉm cười mãn nguyện vì tôi đã được sống cố gắng – được cống hiến – được chia sẻ cho cộng đồng mình không chỉ hạt gạo mà còn những sản phẩm giá tăng của hạt gạo thật và chất.

Phạm Thị Kiều Oanh- Giám đốc dự án GẠO RUỘNG RƯƠI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *